Tăng trưởng vượt bậc thời gian qua, liệu Xiaomi có lâm vào vết xe đổ của “người đồng hương” Huawei?
Trong những năm 2018-2020, Huawei có lẽ là thương hiệu smartphone có tốc độ phát triển “thần tốc” nhất, tuy nhiên sau nhiều biến cố xảy ra gần đây họ đã đánh mất vị thế của mình. Xiaomi đang trỗi dậy và dần thay thế Huawei để trở thành một đối thủ vô cùng nguy hiểm của Samsung và Apple.
- Xiaomi Mi 12 và Mi 12 Ultra có thể sở hữu camera “khủng” 200MP
- Hot Sale cuối tuần: Hàng loạt smartphone, máy tính bảng giảm giá sốc, mua ngay kẻo lỡ!!!
- Xiaomi ra mắt Mi TV 5X: Viền siêu mỏng, 3 tuỳ chọn kích cỡ với độ phân giải 4K, giá từ 9.9 triệu đồng
Huawei và Xiaomi đều là những nhà sản xuất smartphone cũng như các sản phẩm điện tử hàng đầu Trung Quốc. Mỗi công ty đều có những điểm chung và riêng khác nhau, tuy nhiên Xiaomi đang là thương hiệu may mắn hơn tại thời điểm hiện tại, liệu họ sẽ đi con đường riêng của mình hay sẽ trở thành một Huawei thứ hai?
Mục lục
Thời hoàng kim của Huawei
Nhắc đến Huawei chắc hẳn ấn tượng của nhiều bạn đọc sẽ là những thiết bị di động với chất lượng camera vô cùng tuyệt vời của họ. Hoa Vĩ (phiên âm tiếng Việt của Huawei) đã từng vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới vào năm 2018. Để hiểu được thành công của họ, chúng ta hãy cùng nhìn lại nguồn gốc của Huawei!
Huawei được thành lập vào năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, một cựu kỹ sư của quân đội Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), công ty có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Ban đầu công ty này tập trung vào sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, nhưng sau đó đã mở rộng kinh doanh thêm các mảng gồm xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ và thiết bị, tư vấn vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc và sản xuất thiết bị di động cho thị trường tiêu dùng.
Ở mảng thiết bị mạng và hạ tầng viễn thông, Huawei đã đạt được thành công từ rất sớm tại quê nhà. Một bước ngoặt quan trọng của công ty là vào năm 1996, khi chính phủ ở Bắc Kinh áp dụng chính sách hỗ trợ mạnh cho các nhà sản xuất viễn thông trong nước và hạn chế sự tiếp cận của các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài. Huawei đã được cả chính phủ và quân đội Trung Quốc quảng bá và hỗ trợ thành lập các văn phòng nghiên cứu và phát triển mới.
Nhờ vào thành công này, họ nhanh chóng vươn tầm thế giới và đạt được nhiều hợp đồng phát triển hạ tầng mạng ở các quốc gia khắp thế giới điển hình như Úc, Na-Uy, Đan Mạch, Canada, Ấn Độ. Huawei cũng tiến hành mở thêm các trụ sở và văn phòng đại diện tại Anh và Mỹ để gia tăng cường độ phủ sóng và thị trường của mình. Huawei là nhà cung cấp viễn thông số một thế giới vào năm 2018.
Ở mảng di động, Huawei đã tham gia sản xuất smartphone chạy Android từ rất sớm, sản phẩm đầu tiên của họ được ra mắt vào năm 2009, sau đó là Ascend P series bắt đầu từ năm 2012. Thậm chí vào tháng 12 năm 2013, Huawei đã giới thiệu thêm một thương hiệu con là Honor. Tuy nhiên phải đến những năm 2018-2019 thì các sản phẩm smartphone của Huawei mới thực sự được chú ý và đạt được chỗ đứng trong thị trường di động vốn đang được nắm giữ bởi các thương hiệu đến từ Mỹ và Hàn Quốc.
Lần đầu tiên trong năm 2018, họ đã đánh bại Apple và lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất di động lớn thứ hai thế giới với 15% thị phần, chỉ xếp sau Samsung khi đó đang nắm giữ 20% thị phần. Thành công của Huawei đến từ việc các thương hiệu nước ngoài đang dần suy thoái tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới về điện thoại thông minh. Đồng thời Huawei có thị phần ngày càng tăng tại Châu Âu với thương hiệu Honor. Cũng trong năm này, tổng doanh thu tập đoàn đạt mức kỷ lục 105,2 tỉ USD, tăng 19,5% so với năm trước.
Huawei cũng đã từng đứng trên đỉnh thế giới. Theo báo cáo từ Canalys, Huawei lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý 2 năm 2020. Trong đó, nhà sản xuất từ Trung Quốc đã xuất xưởng 55.8 triệu thiết bị, vị trí thứ hai là Samsung đã xuất xưởng 53.7 triệu điện thoại thông minh. Tuy nhiên sau đó họ đã không tiếp tục duy trì được vị trí này.
Huawei rơi vào khủng hoảng
Người ta thường nói “cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi”, câu này hoàn toàn đúng với trường hợp của Huawei.
Cũng trong năm 2018, Hoa Kỳ đã thông qua dự luật tài trợ quốc phòng, trong có một đoạn cấm chính phủ liên bang làm ăn với Huawei, ZTE và một số nhà cung cấp sản phẩm giám sát của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cáo buộc Huawei hoạt động gián điệp và kêu gọi các quốc gia khác không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G với lo ngại họ có thể do thám cho chính phủ Trung Quốc. Một phần nguyên nhân xuất phát từ những nghi ngờ về xuất thân của nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã từng làm việc cho quân đội Trung Quốc và bản thân công ty này cũng được chính quyền và quân đội “nâng đỡ” trong quá trình phát triển tại nước sở tại.
Đầu năm 2019, đơn vị của Huawei ở Washington bị buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của T-Mobile. Mỹ cũng truy tố giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu một loạt tội danh, trong đó có rửa tiền, lừa đảo và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Sau sắc lệnh của Tổng thống Trump, cùng ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đưa Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Mặc dù Huawei đã liên tiếp phủ nhận các cáo buộc này, tuy nhiên nó vẫn gây vô vàn thiệt hại cho công ty này. Huawei đã mất đi nhiều hợp đồng phát triển hạ tầng mạng 5G tại Úc và Newzealand, nhiều nhà mạng tại Châu Âu cũng ngừng và loại bỏ sử dụng các thiết bị của Huawei.
Tuân thủ sắc lệnh của chính phủ Mỹ, nhiều công ty trong và ngoài nước Mỹ đã chấm dứt hợp tác với Huawei, điển hình như Google và ARM Holdings, Hiệp hội thẻ nhớ SD và Liên minh Wifi cũng thu hồi tư cách thành viên và hạn chế công ty này tham gia hoạt động của các tổ chức này. Việc không được quyền cài đặt Android trên các thiết bị mới cũng như không được phép sử dụng các cấu trúc lõi tùy chỉnh của ARM để tự sản xuất chipset đã đưa Huawei vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Doanh thu của Huawei trong năm 2020 đạt 136,7 tỉ USD, tăng 3,8% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này chậm lại hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu hơn 19% mà hãng này có được trong năm 2019. Doanh số điện thoại thông minh của họ trên toàn cầu rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng. Vào thời điểm bị đưa vào danh sách đen, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới tính theo thị phần. Nhưng kể từ quý 4/2020, Huawei đã rơi khỏi top 5 nhà cung cấp lớn nhất thế giới, tại Trung Quốc họ cũng rớt xuống vị trí thứ ba.
Tại thị trường Việt Nam, thương hiệu này hầu như đã ngừng kinh doanh ngành hàng smartphone thay vào đó là tập trung bán một số thiết bị như laptop, tablet, smartwatch hay tai nghe. Hiện tại, Huawei phải tự phát triển hệ điều hành riêng của mình là HarmonyOS và kho ứng dụng riêng AppGallery. Huawei cũng đang mở rộng các mảng kinh doanh mới như xe thông minh và dịch vụ đám mây để bù lại thất thoát ở mảng thiết bị di động.
Xiaomi – “Phượng hoàng Trung Hoa”
Xiaomi thì lại khác, họ xuất phát điểm với mô hình một startup (công ty khởi nghiệp) non trẻ. Xiaomi được sáng lập bởi Lei Jun vào năm 2010 cùng 7 cộng sự khác, tất cả đều có kinh nghiệm làm việc tại mảng công nghệ ở những công ty lớn như Google, Motorola, Kingsoft. Công ty ban đầu hoạt động nhờ vào nguồn quỹ đầu tư từ những nhà đầu trong và ngoài Trung Quốc, đơn cử như Temasek Holdings, Yunfeng Capital Management, Qualcomm…
Chỉ sau vài tháng, Xiaomi đã công bố sản phẩm đầu tiên của mình là MIUI, một giao diện người dùng Android sẽ là chủ đạo trên các smartphone của hãng sau này. Vào tháng 08/2011, công ty tung ra chiếc điện thoại đầu tiên của mình là Xiaomi Mi 1. Chiến lược của công ty là bán phần cứng với mức giá thấp hoặc không có lợi nhuận nhưng kiếm tiền bằng các dịch vụ bổ sung. Các sản phẩm điện thoại của Xiaomi thường có giá chỉ bằng phân nửa so với các đối thủ khác đến từ ngoài Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thành phần và hiệu suất so với những điện thoại thông minh cao cấp khác.
Xiaomi cũng không có nhiều cửa hàng truyền thống, họ tập trung vào các kênh bán hàng online và hạn chế quảng cáo, thay vào đó họ sử dụng phương thị tiếp thị thông qua hình thức truyền miệng nhờ vào chất lượng tốt của sản phẩm và giá rẻ. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí phân phối và tối ưu hóa giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó họ cũng kết hợp phương thức bán hàng “flash sale”, điều này giúp cho hầu hết các mẫu smartphone mới nhất của Xiaomi đều “cháy hàng” chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi mở bán.
Trong năm 2013, Xiaomi đã bán được 18.7 triệu smartphone. Theo thống kê trong quý 2/2014, Xiaomi đã bán được 15 triệu smartphone, chiếm lĩnh 14% thị phần và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 tại thị trường Trung Quốc đồng thời chễm trệ đứng trong top 5 nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới. Nhờ mô hình kinh doanh tập trung vào phân khúc tầm trung và giá rẻ hợp lý, Xiaomi tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ và được mệnh danh như một chú “phượng hoàng Trung Hoa”.
Trở lại năm 2013, Xiaomi nhận thấy làn sóng Internet of Things (IOT) đang ập đến và để đón đầu xu hướng công nghệ này, Xiaomi xây dựng chiến lược mới biến smartphone thành trung tâm điều khiển của một hệ sinh thái các thiết bị thông minh. Công ty đã lên kế hoạch 5 năm để đầu tư vào 100 startup khác nhau. Các công ty này phát triển một loạt các sản phẩm mới, từ pin dự phòng cho tới các thiết bị kết nối internet, xoay quanh smartphone. Không dừng lại ở đó, Xiaomi còn đầu tư vào các startup không liên quan gì đến công nghệ. Ví dụ như các dự án sản xuất bàn chải đánh răng, vali hay quần áo.
Xiaomi chịu trách nhiệm tư vấn tài chính cho các startup này và giúp họ tiếp cận với các đơn vị gia công, nguồn cung linh kiện cần thiết cho quá trình sản xuất. Xiaomi cũng tham vấn trong quá trình thiết kế để các sản phẩm trong hệ sinh thái đều thừa hưởng chung một triết lý thiết kế. Sau đó các thiết bị này được bán ra với thương hiệu Xiaomi và công ty chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau.
Đến năm 2016, Xiaomi gặp khó khăn khi rất nhiều hãng điện thoại Trung Quốc sao chép triết lý giá rẻ. Bản thân công ty cũng đã lơ đễnh khi quá tập trung vào các sản phẩm IOT mà bỏ rơi mảng di động, tạo cơ hội cho Huawei, Oppo và Vivo vượt mặt về doanh số ở Trung Quốc. Tại thời điểm này, người tiêu dùng cũng có xu hướng sở hữu các thiết bị cao cấp và muốn trải nghiệm sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng nhiều hơn khiến cho mô hình kinh doanh tưởng như hoàn hảo của Xiaomi lập tức lao đao.
Ban quản trị Xiaomi đã phải nhanh chóng lên kế hoạch giải nguy cho tập đoàn, bắt đầu bằng việc cải tổ kênh bán hàng trực tiếp với việc ra mắt hàng loại cửa hàng Mi Home khắp lãnh thổ Trung Quốc. Không những thế, Xiaomi còn “gửi nhờ” sản phẩm tại hệ thống hơn 4,800 cửa hàng của hãng viễn thông China Unicom. Cộng hưởng với việc kinh doanh mạng lưới thiết bị bao phủ hết mọi nhu cầu cuộc sống, doanh thu của Xiaomi đã khởi sắc trở lại sau giai đoạn này.
Xiaomi và ngôi vương di động
Sau sự “sụp đổ” của Huawei trong năm 2020-2021, cơ hội được chia đều cho các hãng điện thoại Trung Quốc khác, tất nhiên bao gồm cả Xiaomi. Vẫn công thức cấu hình cao giá rẻ, cộng thêm lượng người dùng trung thành cực lớn và thường xuyên tương tác với các thông tin đến từ nhà sản xuất, thương hiệu này đã dễ dàng chiếm lĩnh phần thị phần mà Huawei để lại.
Xiaomi hiểu được từng thị trường cần gì, họ ra mắt rất nhiều phiên bản khác nhau của cùng một model cho từng thị trường riêng biệt. Với cấu hình và giá bán chỉ chênh nhau một khoảng nhỏ nhưng đã là một chiếc máy khác hay chỉ thay đổi tên thương hiệu, từ Poco cho đến Redmi và dòng điện thoại chơi game Black Shark, Xiaomi bao phủ mọi phân khúc tầm giá.
Nhà sản xuất đến từ Trung Quốc cũng không còn ngại phân khúc cao cấp, với Mi 11 series được đánh giá rất cao, Xiaomi sẵn sàng tay đôi với bất kỳ đối thủ nào cho dù là Samsung chăng nữa. Đặc biệt, họ cũng đã nhanh chóng ra mắt mẫu smartphone màn hình gập Mi Mix Fold mở ra một bước chuyển lớn trong làng điện thoại thông minh Android, trước đây chỉ duy nhất Samsung mới có thể sản xuất smartphone với thiết kế dạng gập.
“Hạt gạo nhỏ” (phiên âm tiếng Việt của Xiaomi) từ một thương hiệu đang hồi sinh từ bờ vực, giờ đây họ đã vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới với 17% thị phần trong quý 2/2021, chỉ thua Samsung đang ở vị trí thứ 1 với 19% thị phần. Tuy nhiên, Xiaomi lại đạt mức tăng trưởng kỷ lục 83% so với cùng kỳ năm trước, một con số vô cùng ấn tượng.
Cụ thể hơn, Xiaomi còn dẫn đầu tại Nga với 32% thị phần trong quý 1/2021 cùng mức tăng trưởng cực khủng lên đến 125%, trong khi đó Samsung chỉ xếp thứ 2 với 27% thị phần vầ mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo, “hạt gạo nhỏ” là thương hiệu sản xuất smartphone số 1 tại Ấn Độ và Châu Âu với thị phần lần lượt là 28% và 25.3% trong quý 2/2021. Tại quê nhà Trung Quốc, họ cũng đứng số 3 với 17% thị phần (xếp sau Vivo và OPPO) cũng trong quý 2 năm nay. Đây đều là những thị trường lớn và có lượng người dùng smartphone nhiều nhất thế giới, Xiaomi đã có một năm 2021 thực sự bùng nổ!
Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất từ Counterpoint, thương hiệu này thậm chí đã vượt mặt luôn Samsung và trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới với 17.1% thị phần smartphone bán ra trong tháng 6/2021, Samsung đứng thứ 2 với 15.7% và Apple ở vị trí thứ 3 với 14.3% thị phần. Nhìn vào biểu đồ này không ai có thể tránh khỏi ngạc nhiên về sự tăng trưởng như “leo núi” này của Xiaomi.
Quả thật có thể nói Xiaomi không chỉ đạt được ngưỡng đỉnh điểm của Huawei trước đây mà họ còn làm tốt hơn rất nhiều!
Liệu Xiaomi có trở thành một Huawei thứ hai?
Không chỉ riêng Huawei và ZTE gặp rắc rối với các lệnh cấm của chính phủ Mỹ, một số ứng dụng như Tiktok hay Wechat cũng đã từng nằm trong tầm ngắm của cựu tổng thống Donald Trump.
Ngoài vấn đề lo ngại về an ninh quốc gia, trước đây đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc Mỹ cấm vận Huawei cũng như các ứng dụng từ Trung Quốc một phần liên quan đến cuộc chiến thương mại căng thẳng Mỹ-Trung ở thời tổng thống Trump. Ngoài ra, cũng có thể Mỹ lo ngại các công ty Trung Quốc phát triển quá nhanh gây ảnh hưởng đến lợi ích của các tập đoàn công nghệ tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng mạng 5G.
Dù đúng dù sai, vụ “ly hôn” giữa các đại gia công nghệ Mỹ và Huawei đã để lại một bài học thấm thía cho các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Nền công nghệ Trung đã thiếu đi sự đầu tư bài bản, nghiên cứu và sáng tạo các công nghệ lõi như các nước phương Tây, để sản xuất được các linh kiện và thành phẩm một thiết bị họ phải phụ thuộc vào công nghệ và bằng sáng chế từ nước ngoài khá nhiều. Các lệnh cấm từ Mỹ không khiến họ “đổ vỡ” hẳn vì vẫn còn thị trường tỷ dân ở quê hương nhưng cũng gây ra vô vàn khó khăn và suy thoái trên thị trường quốc tế.
Xiaomi có xuất xứ không như Huawei và họ cũng không quá thân thiết với chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên cả hai công ty đều có danh sách nhiều sản phẩm IOT tương đồng nhau như các bộ router, camera an ninh, thiết bị gia dụng thông minh,… Kể ra thì Xiaomi còn sản xuất nhiều sản phẩm đời sống thông minh hơn Huawei và chúng hầu hết đều được trang bị kết nối Wifi để kết nối với hệ sinh thái. Vậy nên nếu Xiaomi thực sự muốn làm điều gì đó “xấu xa” thì hậu quả thật khó lường cho người dùng.
Cũng phải nhắc lại, Xiaomi cũng từng gặp không ít những cản trở đến từ chính sách của Mỹ (giống như Huawei), công ty này đã rơi vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 1 năm nay với cáo buộc có mối liên hệ với các công ty quân sự Trung Quốc, điều này khiến giới đầu tư Mỹ không thể tiếp tục đầu tư vào công ty. Tuy nhiên sau đó vào tháng 5, Xiaomi đã kháng cáo thành công vì tòa án Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh sai phạm của họ.
Xiaomi không tham gia vào xây dựng hệ thống mạng 5G, đây có lẽ là lý do quan trọng nhất giúp họ né được những lệnh trừng phạt của Hoa kỳ. Tuy nhiên, mặc dù khá khó khăn nhưng “hạt gạo nhỏ” nên duy trì mối quan hệ độc lập của họ với chính phủ Trung Quốc để tránh những hệ lụy sau này.
Công ty của CEO Lei Jun hiện đang ở vị thế của Huawei trước thời điểm khủng hoảng và có lẽ họ sẽ còn phát triển hơn nữa khi ra mắt dòng flagship Mi Mix 4 cũng như Mi 12 series sắp tới, hệ thống sản phẩm IOT của công ty cũng ngày càng nhiều hơn và đi vào mọi ngóc ngách trong căn nhà cũng như cuộc sống của người dùng. Vì vậy khả năng Xiaomi có thể tiếp tục phải đối mặt với những chính sách ngăn cản của Mỹ trong tương lai vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn sau những chuyện đáng buồn xảy ra với Huawei, những người hâm mộ thương hiệu Xiaomi chắc chắn đều không muốn họ đi vào vết xe đổ đó!
Xiaomi có phải là thương hiệu yêu thích của bạn và bạn có suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới nhé!
Thông tin người gửi