Face ID từng được xem là bảo mật nhất trên di động đang tỏ ra vô dụng trong mùa “Cô Vy”
Lần đầu tiên được Apple ra mắt cùng chiếc iPhone X vào năm 2017, Face ID được đánh giá cao và nhanh hơn bảo mật vân tay rất nhiều. Vậy hiện tại nó có còn thực sự “đỉnh” và tiện lợi hay không? Hãy cùng Sforum phân tích nhé!
- Face ID giờ đây sẽ rung phản hồi nếu nhận dạng khuôn mặt thành công, và đây là cách kích hoạt
- Galaxy S10 và Huawei P30 Pro đang chứng minh rằng: “Nhận diện khuôn mặt 3D thật vô dụng”
- Nhiều smartphone Android dễ dàng bị đánh lừa bởi một chiếc đầu in 3D, Face ID của Apple vẫn là bảo mật nhất
Thiết kế trên iPhone X khác biệt hoàn toàn so với iPhone 8 và iPhone 8 Plus đã được giới thiệu ngay trước đó. Nút Home đã được lược bỏ đi để nhường chỗ cho thiết kế màn hình tràn viền, vậy nên nó cần có phương thức mở khóa mới đơn giản hơn. Đó chính là lý do Face ID xuất hiện.
Mục lục
Face ID là gì? Face ID hoạt động ra sao?
Face ID là hệ thống nhận diện khuôn mặt do Apple thiết kế và phát triển dành cho các dòng iPhone từ iPhone X trở đi (trừ iPhone SE 2020) và dòng iPad Pro thế hệ thứ 3 trở đi. Công nghệ xác thực sinh trắc học này có thể được sử dụng để mở khóa thiết bị, thanh toán kỹ thuật số, truy cập dữ liệu được khóa và cung cấp khả năng theo dõi biểu hiện khuôn mặt chi tiết cho Apple Animoji.
Hệ thống Face ID sử dụng cảm biến tích hợp bao gồm 3 mô-đun:
- Dot Projector: sử dụng 30.000 điểm hồng ngoại vô hình được đặt kỹ thuật số lên khuôn mặt người dùng.
- Flood Illuminator: sử dụng thông tin Dot Projector thu thập được để tạo bản đồ độ sâu khuôn mặt 3D.
- Camera hồng ngoại: chịu trách nhiệm chụp ảnh người dùng.
Khi bạn nhìn vào màn hình khoá của thiết bị, hệ thống cảm biến được bố trí ở phần viền đen của iPhone sẽ bắt đầu hoạt động. Apple gọi hệ thống cảm biến này là TrueDept Camera System. Nó sẽ quét khoảng 30.000 đặc điểm có thể nhìn thấy trên khuôn mặt người dùng, rồi sau đó chiếu tia sáng hồng ngoại để nhận dạng.
Dữ liệu quét toàn bộ gương mặt của bạn sẽ được mã hóa và chuyển đến nhân Neural Engine bên trong con chip xử lý của Apple để chạy các thuật toán trí tuệ nhân tạo. Các thuật toán này sẽ tiến hành dựng lại một mô hình gương mặt và so sánh với mô hình gốc đã được lưu trữ khi thiết lập Face ID và giúp người dùng mở khóa.
Người dùng sẽ không phải lo lắng vì toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ trong con chip xử lý trên máy và không được gửi cho Apple hoặc bên thứ ba nào khác. Nó cũng không được sao lưu vào iCloud hoặc bất kỳ nơi nào khác ngoài thiết bị của bạn.
Apple cũng từng công bố xác suất để người lạ với khuôn mặt giống bạn có thể mở máy là khoảng 1/1,000,000, trong khi tỉ lệ nhận nhầm người của Touch ID là 1/50,000. Ngoài ra, để Face ID hoạt động, người dùng bắt buộc phải nhìn vào iPhone vậy nên chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm người lạ không thể mở khoá trong lúc mình đang ngủ.
“Hiện đại thì cũng hại điện”
Rõ ràng có thể thấy, Face ID là công nghệ bảo mật hàng đầu trên thiết bị di dộng và vô cùng tiện lợi khi khắc phục được nhược điểm của những đối thủ khác, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Cô-Vy hiện tại thì sao?
Với cách thức hoạt động như trên, Face ID yêu cầu chủ nhân phải nhìn trực tiếp vào iPhone để mở khóa, điều này đã gây không ít khó khăn cho người dùng của Apple ở những vùng đang còn dịch bệnh hoành hành và chưa có dấu hiệu chấm dứt như Ấn Độ, Việt Nam, Châu Âu hay một vài quốc gia Nam Mỹ khác khi sử dụng thiết bị.
Họ liên tục phải đeo khẩu trang khi ra đường, ở nơi công cộng và thậm chí là cả khi đang làm việc để đảm bảo hạn chế tiếp xúc và tránh lây lan dịch bệnh. Khẩu trang trở thành một phụ kiện không thể thiếu với mỗi người, ở Việt Nam, nếu không đeo khẩu trang khi ra đường bạn có thể bị phạt tiền theo quy định của nhà nước.
Đối với người dùng iPhone hiện tại, việc mở khóa sử dụng Face ID như một cực hình. Đeo khẩu trang, Face ID không thể quét toàn bộ khuôn mặt của bạn để mở khóa, một là bạn phải kéo khẩu trang xuống, hoặc chờ vài giây để màn hình nhập mật khẩu xuất hiện.
Theo một khảo sát, trung bình mỗi ngày người dùng iPhone thường mở khóa khoảng 80 lần. Thử cho trung bình một người xài điện thoại 12 tiếng mỗi ngày, như vậy họ sẽ mở khóa 6-7 lần mỗi tiếng, tương đương với cứ 10 phút họ lại mở khóa chiếc điện thoại 1 lần.
Nhìn vào những con số này, bạn sẽ thấy vấn đề này thực sự nghiêm trọng và bất tiện đến mức nào. Face ID từ người hùng trở thành “kẻ tội đồ” cũng chỉ trong vòng vài năm.
Ngược lại, bảo mật vân tay trên những thiết bị Android lại đang làm rất tốt nhiệm vụ của chúng, công nghệ đã ngày càng nâng cấp, bạn không cần phải bật màn hình sáng lên vẫn có thể mở khóa chỉ với một thao tác chạm nhẹ ngón tay, phản hồi cũng rất nhanh.
Thành thật mà nói, là một người dùng iPhone mình đang khá ghen tị với các bạn dùng smartphone Android tại thời điểm hiện tại.
Một vài hướng tự khắc phục
Dành cho người có tiền
Vâng đó chính là mua kèm Apple Watch! Kể từ phiên bản iOS 14.5 và watchOS 7.4 trở đi Apple đã phát triển tính năng cho phép mở khóa iPhone ngay cả khi đang đeo khẩu trang vô cùng tiện lợi, tất nhiên cần có một chiếc Apple Watch bên cạnh.
Tốc độ mở khóa cũng rất tốt, tương tự như sử dụng Face ID bình thường và hầu như không có độ trễ. Chỉ cần một vài thiết lập trên iPhone và đồng hồ là có thể sử dụng được ngay, nếu chưa biết cách cài đặt, bạn có thể làm theo hướng dẫn tại đây.
Như đã đề cập ở trên, để sử dụng tính năng này, ít nhất bạn cần sở hữu Apple Watch Series 3 trở lên, dẫn đến sẽ phải tốn thêm một khoản không nhỏ để có thể mở khóa được iPhone khi đeo khẩu trang, nghe có vẻ không hợp lý cho lắm. Nếu bạn thực sự thích đeo các thiết bị đồng hồ thông minh và đã sở hữu sẵn Apple Watch rồi có lẽ sẽ phù hợp hơn.
Ngoài ra, tính năng này chỉ giúp mở khóa màn hình, trường hợp cần sử dụng các ứng dụng thanh toán như ví điện tử, ứng dụng ngân hàng, iPhone vẫn sẽ yêu cầu quét khuôn mặt của bạn hoặc phải tự nhập tay mật khẩu để thực hiện.
Đánh lừa Face ID
Không lâu trước đây, nhiều người dùng iPhone đã phát hiện ra thủ thuật đánh lừa Face ID bằng một tờ giấy trắng trong quá trình quét khởi tạo để có thể mở khóa được iPhone ngay cả khi đang đeo khẩu trang, rất may mắn là cho dù qua nhiều bản cập nhật khác nhau, mẹo này vẫn có thể áp dụng được.
Nếu chưa biết cách thực hiện, các bạn có thể xem video hướng dẫn bên dưới:
Nhược điểm của hình thức này là tỉ lệ mở khóa thành công không thực sự hoàn hảo, chỉ khoảng 80% cho mỗi lần mở khóa. Tuy nhiên, để Face ID nhận diện tốt nhất, bạn cần kéo khẩu trang xuống thấp một chút ngang mũi, nếu đeo ở trạng thái đeo bình thường (gọng kim loại ôm hết sóng mũi) thì Face ID sẽ không nhận diện được hoặc tỉ lệ mở khóa thành công sẽ còn thấp hơn.
Ngoài ra, việc dùng tờ giấy che bớt một phần khuôn mặt khi khởi tạo Face ID cũng sẽ gây ra những rủi ro bảo mật nhất định vì tính năng này sẽ không thể quét được toàn bộ chi tiết gương mặt của bạn, dẫn đến nếu một ai đó có các chi tiết từ mũi trở lên giống bạn thì tỉ lệ Face ID bị nhầm lẫn sẽ cao hơn.
Để AI tự học
Face ID sử dụng các thuật toán và trí thông minh nhân tạo (AI) khá tốt khi nhận diện khuôn mặt, Apple từng nói rằng nó có khả năng tự học khuôn mặt của bạn mỗi khi có thay đổi.
Khi Face ID bắt đầu quét khuôn mặt của bạn nhưng không thành công, nó sẽ yêu cầu bạn nhập mật mã thay vì cố gắng quét nữa. Khi bạn chuyển sang nhập mật mã để mở khóa iPhone, thì iOS sẽ ghi lại quá trình đó dưới dạng thông tin đăng nhập Face ID không thành công. Những thông tin này cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho Face ID để nó sử dụng cho những lần quét khuôn mặt sau đó.
Vì vậy, bạn có thể lặp lại thao tác nhập mật mã để mở khóa iPhone ngay cả khi Face ID không nhận ra bạn vì đeo khẩu trang. Dần dần, nó sẽ học được những thay đổi đó và sẽ nhận ra được bạn trong một khoảng thời gian. Nhưng tỉ lệ thành công trên mỗi thiết bị là khác nhau.
Nhiều người dùng báo cáo iPhone đã tự học chỉ sau vài lần mở khóa với mật khẩu khi đeo khẩu trang, bản thân mình thì đã thử nhiều tháng trời nhưng vẫn không thể mở khóa được bằng hình thức này. Tính năng AI này có vẻ mang tính chất “nhân phẩm” khá cao và không phải ai cũng sử dụng được.
Sử dụng Passcode
Phương pháp cuối cùng và chắc chắn đây là điều mà bất kỳ người dùng iPhone nào đều không mong muốn. Tắt Face ID và sử dụng duy nhất Passcode để mở khóa sẽ khiến iPhone của bạn kém bảo mật hơn.
Việc nhập đi nhập lại nhiều lần trong ngày có thể dễ dàng làm lộ mật khẩu của bạn nếu những người xung quanh để ý và càng nguy hiểm hơn nếu họ có ý đồ đen tối và muốn truy cập vào một số nội dung trên điện thoại của bạn. Thao tác nhập mật khẩu cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn và đôi lúc khiến chúng ta bực mình vì vô tình nhập sai trong lúc đang cần sử dụng gấp.
Bù lại, phương pháp này giúp chúng ta dễ dàng giải quyết vấn đề Face ID và khẩu trang, nếu thường xuyên phải dùng iPhone trong điều kiện đeo khẩu trang Passcode chính là cứu cánh cuối cùng mà bạn có thể nghĩ đến.
Apple cần phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn
Thực tế, các giải pháp và tính năng mà Apple cập nhật trên các phiên bản iOS mới đây chưa thực sự giải quyết được mong muốn của người dùng iPhone tại thời điểm hiện tại. Tất cả chỉ là biện pháp tạm thời và chưa thể giúp cảm giác sử dụng Face ID khi đeo khẩu trang thoải mái hơn.
Sức khỏe là rất quan trọng đối với mỗi con người, nếu phải đánh đổi việc không đeo hoặc tháo khẩu trang xuống chỉ để sử dụng thiết bị di động thì thật tệ.
Dưới góc độ một người dùng iPhone đang hàng ngày phải sống chung với sự bất tiện từ Face ID trong mùa dịch Cô-Vy này, mình mong rằng Apple sẽ có nhiều giải pháp hiệu quả hơn để cải thiện vấn đề này.
Một vài gợi ý nhỏ như là Apple có thể phát triển tính năng nhận diện đeo khẩu trang và bỏ qua quét Face ID mà hiển thị phần nhập mật khẩu ngay, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian chúng ta phải chờ Face ID quét không thành công để nhập mật khẩu.
Hiện tại đang có một số tin đồn rằng Apple sẽ thay thế phần “tai thỏ” hiện tại bằng thiết kế camera đục lỗ ở mặt trước và đi kèm với cảm biến vân tay dưới màn hình trên dòng iPhone vào năm 2022, nếu điều này sớm trở thành hiện thực thì thật tuyệt!
Tạm kết
Đối với bản thân mình, Face ID vẫn là một tính năng rất hay và thú vị, chỉ tiếc rằng nó đang trở nên khá vô dụng và bất tiện ở thời điểm hiện tại với tình trạng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn căng thẳng ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Hi vọng mọi chuyện sẽ sớm trở lại bình thường và chúng ta có thể sử dụng Face ID cũng như các tính năng công nghệ khác thoải mái như thường ngày.
Bạn có đang gặp khó khăn khỉ sử dụng tính năng này không? Hãy chia sẽ với chúng mình ở phần bình luận bên dưới nhé!
Thông tin người gửi